Bước tới nội dung

Erich von Falkenhayn

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Đây là một phiên bản cũ của trang này, do Ti2008 (thảo luận | đóng góp) sửa đổi vào lúc 04:21, ngày 28 tháng 4 năm 2016 (→‎Giai đoạn cuối đời). Địa chỉ URL hiện tại là một liên kết vĩnh viễn đến phiên bản này của trang, có thể khác biệt rất nhiều so với phiên bản hiện hành.

Erich von Falkenhayn

Erich von Falkenhayn (11 tháng 9 năm 1861 - 8 tháng 4 năm 1922) là một trong các chỉ huy quan trọng của quân đội Đức thời Chiến tranh thế giới thứ nhất. Ông được Hoàng đế Wilhelm II chỉ định làm Tổng tham mưu trưởng quân đội Đức vào tháng 9 năm 1914, sau khi tổng tham mưu trưởng cũ là Helmuth von Moltke bị sa thải do thua trận trên sông Marne. Trong thời kỳ cầm quân của Falkenhayn, quân đội Đức thực hiện các cuộc tấn công về eo biển Anh hòng vây diệt quân chủ lực Anh-Pháp trên mặt trận Tây Âu và dứt điểm cuộc chiến vào cuối năm 1914, nhưng không thành công. Sau khi quân đội Anh-Pháp bẻ gãy các đợt tấn công này, Falkenhayn buộc phải chuyển sang chiến lược cầm cự ở Tây Âu và tập trung tấn công tại Đông Âu để loại Nga khỏi vòng chiến trong năm 1915, song ý đồ này cũng bị phá sản. Cuối năm 1915-1916, Falkenhayn chuyển trọng tâm sang mặt trận phía Tây và phát động chiến dịch Verdun nhằm đánh bại triệt để Pháp. Các cuộc tấn công của quân Đức vào Verdun thất bại dẫn tới việc Falkenhayn bị Wilhelm II huyền chức vào tháng 7 năm 1916. Trong 2 năm cuối cuộc chiến, Falkenhayn tham gia chỉ huy lực lượng Đức chiến đấu tại Romania, PalestineThổ Nhĩ Kỳ.[1][2]

Cuộc đời

Trước Thế chiến thứ nhất

Falkenhayn sinh ra tại làng Burg Belchau, gần thành phố Graudenz (Phổ - Đức), trong một gia đình có truyền thống nhà binh. Năm 1880, Falkenhayn nhập ngũ trong Trung đoàn Bộ binh 91 và từ năm 1899 đến năm 1903, Falkenhayn làm giảng viên quân sự cho quân đội Mãn Thanh (Trung Quốc). Khi chiến tranh xảy ra giữa Trung Quốc với Liên minh tám nước (trong đó có Đức) vào năm 1900-1901, Falkenhayn làm sĩ quan tham mưu trong đội quân liên minh của 8 nước đánh chiếm Bắc Kinh và buộc chính phủ Mãn Thanh phải đầu hàng. Các bản báo cáo của Falkenhayn từ Bắc Kinh đã gây ấn tượng tích cực cho Hoàng đế Đức Wilhelm II và biến Falkenhayn thành một sủng thần của nhà vua.[1][3] Falkenhayn được thăng tiến nhanh chóng sau cuộc chiến ở Trung Hoa: năm 1902, ông được triệu về nước làm chỉ huy một tiểu đoàn bộ binh, và đến năm 1906 ông lãnh chức Tham mưu trưởng Quân đoàn XVI. Sau đó, Falkenhayn thụ phong cấp hàm Thiếu tướng năm 1912. Do khéo lấy lòng Hoàng đế và các đại thần, Falkenhayn được chỉ định làm Bộ trưởng Chiến tranh Phổ sau khi vượt qua 30 ứng viên cao niên hơn vào năm 1913. Sự thăng tiến này đã làm cho Falkenhayn bị nhiều tướng lĩnh khác đố kỵ, ganh ghét.[1][3]

Tổng Tham mưu trưởng quân đội Đức

Sau vụ ám sát thái tử Áo-Hung vào mùa thu năm 1914, Falkenhayn cùng Đại tướng Tổng tham mưu trưởng Helmuth von Moltke và nhiều tướng lĩnh khác ủng hộ Wilhelm II tuyên chiến với nước khối Hiệp ước, mở màn Chiến tranh thế giới thứ nhất.[4][5] Wilhelm và Moltke triển khai kế hoạch Schlieffen nhằm đánh bại hoàn toàn Pháp trong vòng 6 tuần, sau đó dồn quân sang phía đông đánh dứt điểm Nga. Kế hoạch bị phá sản sau khi quân đội Pháp-Anh phản kích đánh tan quân Đức trên sông Marne đầu tháng 9 năm 1914. Do thất bại này, Wilhelm II sa thải Moltke và bổ nhiệm Falkenhayn làm Tổng tham mưu trưởng quân đội Đức vào ngày 14 tháng 9 năm 1914. Falkenhayn lên nhậm chức tổng tham mưu trưởng trong bối cảnh quân Đức trên các mặt trận đang rơi vào bế tắc: ở Tây Âu , quân Đức đã chuyển sang thế phòng ngự trước sự phản công mạnh mẽ của Anh-Pháp, và ở Đông Âu, quân Đức đã đập tan cuộc tấn công của Nga vào Đông Phổ, nhưng đồng minh của Đức là Áo-Hung bị Nga đánh thảm bại trong trận Lemberg. Các cuộc phản kích của liên quân Pháp-Anh ở Tây Âu cũng không mấy thành công. Trước cục diện đó, Falkenhayn quyết định xoáy trọng tâm vào mặt trận Tây Âu, thực hiện các cuộc tấn công lớn vào sườn trái quân Anh-Pháp tại Flanders nhằm khôi phục thế chủ động của quân Đức và đánh dứt điểm Pháp, Anh trước khi năm 1914 kết thúc. Các đợt tấn công này đều bị chặn đứng với thương vong rất lớn cho quân đội Đức[6][1][3]

Ngày 20 tháng 1 năm 1915, Falkenhayn được thăng quân hàm Thượng tướng Bộ binh. Tại thời điểm đó, quân đội hai bên đều đã kiệt sức và chuyển sang cầm cự trên mặt trận Tây Âu. Falkenhayn đề ra chiến lược cố thủ tại Tây Âu và tấn công tổng lực tại Đông Âu đặng loại Nga khỏi vòng chiến ngay trong năm 1915.[7] Bằng hàng loạt chiến dịch tấn công quy mô lớn từ đầu tháng 5 đến tháng 9 năm 1915, tiêu biểu là Chiến dịch Gorlice–Tarnów, quân Đức đã chinh phục một vùng lãnh thổ rộng lớn của Nga và loại hơn 2 triệu sĩ quan, binh sĩ Nga khỏi vòng chiến.[8] Ở phía Tây, quân Đức cũng đẩy lùi các cuộc tấn công của quân Pháp-Anh ở ChampagneArtois.[9] Mặc dù các chiến dịch tại Đông Âu không đạt được mục tiêu chiến lược là buộc Nga phải rút khỏi Liên minh Hiệp Ước, Falkenhayn tin rằng các cuộc tấn công này đã khiến Nga suy yếu đến mức họ không còn là một mối đe dọa lớn đối với liên minh Đức-Áo-Hung. Một lần nữa, Falkenhayn chuyển trọng tâm sang chiến trường Tây Âu với hy vọng đạt được một thắng lợi quyết định tại khu vực này.[10] Falkenhayn xác định Anh là kẻ thù số một của Đức, nhưng ông tin rằng việc đánh bại các đạo quân Anh trên lục địa châu Âu sẽ không thể buộc Anh phải giảng hòa với Đức. Thêm vào đó, quân đội Pháp đã bị tổn thất hết sức nặng nề sau các trận đánh dữ dội năm 1914-1915. Do vậy Falkenhayn quyết định tập trung tấn công quân đội Pháp nhằm loại nước này khỏi vòng chiến trong năm 1916.[11] Với việc Pháp đầu hàng Đức và Nga suy yếu sau những trận thua năm 1914-15, nước Anh sẽ bị cô lập và không còn khả năng tiếp tục chiến tranh. Nhận thấy quân đội Đức không đủ sức đập vỡ phòng tuyến Pháp bằng một trận đánh cơ động, Falkenhayn chủ trương mở một trận đánh tiêu hao lớn nhằm tàn phá sinh lực quân Pháp đến mức họ không còn đủ khả năng tiếp tục chiến tranh. Falkenhayn chọn thành cổ Verdun làm mục tiêu cho trận đánh này. Theo nhận địng của ông, Verdun là một địa danh có truyền thống lịch sử hào hùng của Pháp, nên một khi Verdun bị tiến công, quân Pháp sẽ kiên quyết chống trả và vô hình trung tự vùi mình trong biển lửa của pháo binh Đức.[7].[12]

Ngày 21 tháng 2 năm 1916, Falkenhayn triển khai Tập đoàn quân số 5 tiến đánh Verdun. Sau một trận pháo kích dữ dội, quân Đức chiếm được pháo đài Douaumont, vành đai ngoài cùng của Verdun nhưng càng vào sâu thương vong của cả hai bên lại càng tăng và Verdun dần trở thành một "cối xay thịt". Trận huyết chiến Verdun trở thành một trong những trận đánh khốc liệt nhất trong lịch sử nhân loại. Tuy vậy, Falkenhayn cho rằng Pháp ngày càng thiệt hại nặng nên ông vẫn tiếp tục nỗ lực đánh chiếm Verdun cho đến khi quân Nga đại thắng quân Áo-Hung tại Galiciatrận ác chiến sông Somme mở màn khiến Falkenhayn phải rút bớt quân ở Verdun để tăng viện cho các mặt trận trên. Tại trận sông Somme, Quân đội Đức theo quân lệnh của Tổng Tham mưu trưởng Falkenhayn ra sức phản công chiếm lại những vùng quân Anh đã làm chủ nên ngày càng tổn thất nặng nề. Trận đánh Verdun cuối cùng kết thúc mà không bên nào có thể thắng trận, quân Đức và quân Pháp vẫn chỉ chiếm giữ những vị trí của mình trước khi trận ác chiến bùng nổ.[13][14] Trước tình hình ấy, Hoàng đế Wilhelm II đã phải cách chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Đức của Falkenhayn thay thế bằng Paul von Hindenburg, và Falkenhayn được điều đến România.

Giai đoạn cuối đời

Tại Romania, Falkenhayn được giao nhiệm vụ chỉ huy binh đoàn thứ 9 tại Transilvania. Tháng 8 năm 1916, ông cùng với Mackensen tổ chức cuộc tấn công lớn vào quân đội Romania vốn chưa được chuẩn bị đầy đủ cho cuộc chiến[15]. Quân Đức phá tan hệ thống phòng thủ của quân Romania,[16] đánh đuổi quân ROmania khỏi Transylvannia, tràn qua dẫy núi Carpathia, và buộc quân ROmania ở hướng Bắc phải tháo chạy về nước Nga.[17] Vào ngày 6 tháng 12 thì quân của ông đã chiếm được thủ đô Bucharest của Romania trong chưa đầy 4 tháng. Chiến thắng huy hoàng của Falkenhayn là một đòn hủy diệt, hạ nhục xứ Romania. Tổng cộng, quân Romania mất đến hơn 30 vạn chiến sĩ.[16]

Sau chiến thắng vẻ vang ở Romania, Falkenhayn được điều đến Palestine để giúp đỡ cho Đế quốc Ottoman chống lại quân Anh. Vào ngày 31 tháng 10 năm 1917, trong trận Gazala lần thứ ba, quân Anh đánh bại quân Ottoman của ông. Nguyên nhân chủ yếu của thất bại là do Quân đội Ottoman thiếu nguồn tiếp tế cần thiết.[17] Ông đã không thể ngăn chặn được tướng Anh Edmund Allenby chiếm Jerusalem vào tháng 12 năm 1917.

Tháng 2 năm 1918, Tướng Otto Liman von Sanders bãi chức ông.[17] Falkenhayn trở thành chỉ huy của binh đoàn 10 tại Belarus cho đến khi Chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc. Năm 1919, ông rời quân ngũ và về sống tại điền trang của mình, tại thủ đô Berlin[17]. Trong những ngày cuối đời, ông đã viết một số cuốn sách về chiến tranh, chiến lược quân sựtự truyện của đời mình. Ông mất ngày 8 tháng 4 năm 1922 tại Schloss Lindstedt gần Potsdam, hưởng thọ 61 tuổi.

Đánh giá

Falkenhayn được đánh giá là một vị tướng lĩnh Phổ điển hình: là người theo chủ nghĩa quân phiệt, có khả năng về chính trịquân sự đồng thời ủng hộ chế độ quân chủ. Về sự nghiệp quân sự, kế hoạch của ông sau này lại được khối Entente vốn có nhiều tài nguyên và nhân lực hơn sử dụng là nguyên nhân khiến nước Đức thua trận. Song, các nhà sử học quân sự đều có cách nhìn nhận rất khách quan với Falkenhayn, họ cho rằng ông quá non kinh nghiệm để có thể lên nắm chức Tổng Tham mưu trưởng, và trong những phút nguy kịch ông luôn rất do dự trong việc tung cả lực lượng Dự bị của ông vào xa trường. Những tướng lĩnh Đức thâm niên hơn, với tiếng tăm lẫy lừng hơn và chiến công hiển hách, được lòng người hơn, không bao giờ chấp nhận ông, và luôn làm hỏng mệnh lệnh của ông.[17]

Bên cạnh ấy chính sự thiếu quyết đoán của Falkenhayn đã khiến cho nước Nga không bị loại khỏi vòng chiến vào năm 1915 dù Đức đã đại thắng.[18] Hoặc là trong trận huyết chiến ở Verdun ông đã không nghĩ đến chuyện đoạt lấy thành phố Verdun.[14] Ngoài ra năm 1917 ông đã không thể giữ nổi Palestine - nhưng phải công nhận là quân số của ông (thực ra là quân Ottoman) vừa ít ỏi hơn lại còn vừa kém trang bị hơn, và tổn thất của hai bên cũng ngang nhau. Tuy vậy chiến thắng lẫy lừng của Quân đội Đức chiếm được România chưa đầy 4 tháng chủ yếu nhờ vào kế hoạch và khả năng quân sự của ông. Thủ tướng nước Anh Winston Churchill đã xem ông là một trong những vị tướng lĩnh Đức tài giỏi nhất trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Nhà nghiên cứu người Anh Norman Stone có nhận định rằng:[19]

Chú thích

  1. ^ a b c d Tucker & Roberts 2005, tr. 406-407..
  2. ^ Pawly 2012, tr. 43.
  3. ^ a b c Tucker 2013, tr. 245-247..
  4. ^ Beckett 2014, tr. 30.
  5. ^ Foley 2005, tr. 91.
  6. ^ Beckett 2013, tr. 14-15..
  7. ^ a b Tucker & Roberts 2005, tr. 658-659..
  8. ^ Foley 2015, tr. 301.
  9. ^ Foley 2015, tr. 164-171..
  10. ^ Tucker & Roberts 2005, tr. 681.
  11. ^ Foley 2015, tr. 110.
  12. ^ Malkasian 2002, tr. 34.
  13. ^ Edwin Kiester Jr, Edwin Kiester, Before They Changed the World: Pivotal Moments that Shaped the Lives of Great Leaders Before They Became Famous, các trang 231-232.
  14. ^ a b Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên alistairhonr215
  15. ^ Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên spencer245
  16. ^ a b Michael S. Neiberg, Fighting the Great War: a global history, trang 207
  17. ^ a b c d e Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên Priscilla658659
  18. ^ Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên alistirhonre52
  19. ^ Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên foley154

Tài liệu tham khảo

  • Holger Afflerbach: Falkenhayn. Politisches Denken und Handeln im Kaiserreich (München: Oldenbourg, 1994) is the modern standard biography.
  • Robert Foley: German Strategy and the Path to Verdun: Erich von Falkenhayn and the Development of Attrition, 1870-1916 (Cambridge: Cambridge University Press, 2005) explores Falkenhayn's strategy in the First World War.